Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận, trao đổi, làm rõ các luận cứ khoa học và thực tiễn về hương ước, quy ước; nhận diện các hương ước, quy ước từ truyền thống đến hiện tại làm cơ sở khoa học cho việc kế thừa và phát huy giá trị của hương ước, quy ước trong việc quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa địa phương; những bài học kinh nghiệm, nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát huy vai trò của hương ước, quy ước trong đời sống xã hội.
Toàn cảnh hội thảo.
TOÀN VĂN BÀI THAM LUẬN CỦA ĐỒNG CHÍ: PHẠM QUANG TẦN, CHỦ TỊCH UBND XÃ TẠI HỘI THẢO.
Hương ước làng xã Việt Nam được xuất hiện trong thế kỷ 15 gắn liền với quá trình phát triển làng Việt, trong chế độ phong kiến, hương ước tồn tại song song với pháp luật Nhà nước phong kiến, giữ gìn bản sắc đặc trưng của mỗi làng xã, cộng đồng dân cư. Sau Cách mạng tháng Tám, do những biến đổi về mặt xã hội, cơ cấu tổ chức của chính quyền cơ sở ở nông thôn cũng như nhận thức của nhân dân nên hương ước không được thừa nhận và duy trì. Từ năm 1989 đến nay, việc ban hành Hương ước được thực hiện công khai và trên diện rộng. Đó là kết quả của cuộc vận động xây dựng nếp sống văn hóa mới, trong đó là phong trào xây dựng gia đình văn hóa, Làng văn hóa, lúc này tại xã Nhật Tân cả 6 thôn trong xã, xây dựng Hương ước của làng; Đặt tên là “Hương ước làng văn hóa”; đến năm 1991 hương ước của các làng bắt đầu được thẩm định, công nhận và đi vào đời sống của nhân dân mỗi làng.
Hương ước, quy ước không lặp lại những điều quy định của pháp luật mà quy định cách giữ gìn cho làng, thôn, xóm không phạm vào các điều quy định của pháp luật nhà nước. Hương ước được nhân dân trong làng coi như văn bản quy phạm xã hội, trong đó quy định các quy tắc xử sự chung do cộng đồng dân cư cùng thỏa thuận đặt ra để điều chỉnh các quan hệ xã hội mang tính tự quản của nhân dân nhằm giữ gìn phát huy những phong tục, tập quán tốt đẹp và truyền thống văn hóa trên địa bàn thôn, làng góp phần hỗ trợ tích cực cho việc quản lý nhà nước bằng pháp luật, gắn với tuyên truyền ý thức chấp hành pháp luật, chấp hành các quy tắc của xã hội, nâng cao ý thức tự giác, tự chủ, tự điều chỉnh hành vi của mỗi cá nhân nhân trong khuôn khổ các quy tắc, quy định của pháp luật, của hương ước.
Hương ước được nhân dân thực hiện một cách tuân thủ nhất, không hề gò bó, ém buộc mà thực hiện một cách tự nguyện. Bởi vì: Hương ước là sự thỏa thuận, tự cam kết với nhau của mỗi làng. Hương ước gắn chặt với đời sống của nhân dân trong Làng, trên cơ sở kế thừa những mặt tích cực của phong tục tập quán truyền thống, nhưng phải phù hợp với quy định của pháp luật; là công cụ chuyển tải pháp luật đến từng người dân, đồng thời bổ sung những nội dung mà pháp luật chưa quy định cụ thể phù hợp với điều kiện và đặc thù của làng; đồng thời phát huy vai trò tự quản của nhân dân, xây dựng nếp sống văn minh trong cộng đồng dân cư.
Hương ước đã góp phần đưa pháp luật, chủ trương, chính sách của Nhà nước đi vào cuộc sống; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước; gìn giữ, phát huy truyền thống, tập quán tốt đẹp của cộng đồng dân cư; bài trừ các hủ tục lạc hậu; hình thành giá trị chuẩn mực xã hội phù hợp với truyền thống, bản sắc của địa phương; phát huy và mở rộng dân chủ ở cơ sở. Qua việc thực hiện hương ước, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, xây dựng nông thôn mới; phát huy quyền tự do, dân chủ ở cơ sở, động viên, tạo điều kiện để nhân dân thực hiện tốt các quyền và nghĩa vụ; giúp nhân dân tham gia, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước.
Kính thưa quý vị, với sự đóng góp quan trọng của Hương ước trong đời sống xã hội và sự phát triển chung của địa phương, các Hương ước được xây dựng năm 1991 đến nay, một số điều khoản không phù hợp với sự phát triển chung của địa phương nên năm 2019 xã triển khai tôt chức xây dựng bổ sung Hương ước, nâng cao những giá trị tốt đẹp của Hương ước cũ, bổ sung một số quy định trong đó đưa nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở từng làng, sự nghiệp xây dựng nông thôn mới, khu dân cư kiểu mẫu, việc tương trợ cộng đồng, phát huy vài trò tự quản trong mỗi làng, thành lập các tổ tự quản để nâng cao tình đoàn kết gắn bó của nhân dân trong làng, bảo vệ quyền lợi cho nhân dân, xóa bỏ hủ tục, đẩy lùi mê tín,... nhằm tạo không khí dân chủ, đoàn kết trong làng xã. Hương ước mới được thực hiện trên cơ sở giáo dục, thuyết phục để mọi người tự giác tuân theo. Xây dựng hương ước mới giúp các trưởng thôn thực hiện tốt nhiệm vụ quản lí nhà nước ở cơ sở tạo nên ý thức tự quản cao đến tận từng xóm, từng gia đình trong làng dân chủ cộng đồng, mặt khác đảm bảo không trái với pháp luật. Hương ước mới do các làng tự xây dựng và ràng buộc nhau thực hiện, thường có tên gọi là "quy ước làng văn hoá”.
Trong quá trình triển khai thực hiện quy ước, Hương ước để người dân thực sự được thảo luận, được tham gia, mỗi thôn trong xã đã triển khai bằng nhiều hình thức như: Thảo luận ở các hội nghị từ Ban công tác mặt trận, đến các hội nghị họp nhân dân, đưa dự thảo về thảo luận ở các dòng họ, các tổ tự quản; sau đó tổng hợp thống nhất; trình cấp có thẩm quyền phê chuẩn; trong quá trình thảo luẩn kết quả thảo luận hiệu quả nhất, nhiều ý kiến tham gia nhất, nhiều ý kiến có giá trị nhất đó là thảo luận tại các tổ tự quản, bởi vì các gia đình trong tổ tự quản có nhiều thời gian thảo luận, nghiên cứu thông qua các cuộc gặp mặt, hoặc các cuộc sinh hoạt, trao đổi hội ý thảo luận thông qua các hội nhóm trên không gian mạng nên đảm bảo thẩm thấu tốt nhất, nên nhiệm vụ xây dựng hương ước đạt đến sự thống nhất cao nhất, đi vào đời sống xã hội ngay sau khi đưa Quy ước vào cuộc sống.
Kính thưa quý vị: Xã Nhật Tân, huyện Tiên Lữ, là một xã với trên 8.000 nhân khẩu với 2.440 hộ gia đình; được chia thành 120 tổ tự quản, đảm bảo an ninh trật tự và an toàn giao thông; từ khi thành lập các tổ tự quản năm 2009 đến nay các tổ tự quản hay còn gọi là các tổ liên gia tự quản đã phát huy được tính ưu việt, ngoài thực hiện với mong muốn ban đầu khi thành lập đó là đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, phát huy phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, các tổ tự quản của xã còn làm tốt vai trò hòa giải ngay từ khi chớm phát sinh mâu thuẫn ở gia đình, làng xóm; là sợi dây gắn kết các thành viên trong tổ; giúp đỡ lần nhau khi gia đình có những việc lớn; chỉ một cuộc gặp nhau uống nước trước khi đi lao động một ngày mới, các thành viên trong xóm đã thống nhất và tham gia với nhau về những chuẩn mực và nhiệm vụ phát sinh, giúp nhau bàn bạc công việc riêng của mỗi gia đình; chúng tôi nhận thấy sự gắn bó của các gia đình trong tổ tự quản cộng đồng như là một gia đình lớn vậy; Tổ là nơi các thành viên chia sẻ việc riêng, những trăn trở, băn khoăn trong cuộc sống, giúp đỡ nhau vượt qua nhưng khó khăn gặp phải trong cuộc sống, những công việc của gia đình; với sự gắn bó này giảm rất nhiều các mâu thuẫn phát sinh trong đời sống xã hội; đồng thời các tổ cũng góp phần quan trọng trong đôn đốc nhau thực hiện theo hương ước của làng; tôi cho rằng mô hình tổ tự quản hay liên gia tự quản là thực sự hiệu quả, trong việc duy trì thực hiện nghiêm quy ước, hương ước; gìn giữ thuần phong mỹ tục tiến bộ của mỗi làng cần được duy trì và nhân rộng…
Để duy trì hiệu quả các tổ tự quản cộng đồng, trước hết phải khẳng định các tổ tự quản cộng đồng là một mắt xích quan trong trong mối quan hệ giữa sự quản lý của chính quyền xã; ban lãnh đạo các thôn; đến mỗi gia đình, mỗi cá nhân trong khu dân cư.
Cần đầu tư sự quan tâm định hướng của cấp ủy, chính quyền các cấp; sự quan tâm khích lệ, động viên khen thưởng kịp thời để khích lệ phong trào.
Đánh giá khẳng định sự đóng góp của các tổ tự quản trong việc tuyên truyền, duy trì thực hiện quy ước, hương ước; khẳng định là một kênh gàn nhất đưa sự thống nhất của Hương ước và đưa hương ước vào cuộc sống.
Hằng năm tổ chức đánh giá, thi đua thực hiện hiệu quả của các tổ tự quản, nhằm khích lệ, thi đua giữa các tổ tự quản với nhau, phát huy được lòng tự tôn của các thành viên trong tổ, qua hoạt động này là điểm nhấn để việc chấp hành quy ước càng hiệu quả hơn, phong trào của tổ tự quản hoạt động hiệu quả hơn…
Bằng minh chứng cụ thể thông qua phong trào xây dựng nông thôn mới tại địa phương, sự so sánh việc tham gia góp công, góp của, góp đất, của các gia đình, các tổ tự quản, các xóm, các làng luôn lấy các xóm điển hình làm mẫu, làm thước đo, cứ xóm này phải hơn xóm kia một chút, tổ tự quản này hơn tổ kia một chút, đường xóm ta phải rộng hơn xóm khác một chút, vậy là địa phương đã có một phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới một cách mạnh mẽ, bằng kết quả đó xã đã đạt nông thôn mới kiểu mẫu sau 11 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của chính phủ…
Có thể thấy, cùng với hệ thống pháp luật, hương ước, quy ước đang trở thành công cụ hữu hiệu để quản lý, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh trong cộng đồng dân cư, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Chính vì thế, để phát huy hơn nữa vai trò của hương ước, quy ước bên cạnh việc tuyên truyền cho người dân hiểu được vai trò, vị trí của hương ước, quy ước, thì cần điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với đặc điểm tình hình của mỗi cộng đồng dân cư. Trong quá trình điều chỉnh, bổ sung cần phải chú trọng tuân thủ nguyên tắc đảm bảo tính dân chủ, huy động được sự tham gia rộng rãi của cộng đồng dân cư và tôn trọng đúng mức ý kiến của những người có uy tín ở địa phương. Đồng thời, cần kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước với bình xét, công nhận, khen thưởng các danh hiệu gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa, chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Kính thưa quý vị: Từ vai trò của Hương ước chúng ta phải khẳng định rằng: Hương ước là sản phẩm văn hóa pháp lý độc đáo của cộng đồng dân cư vùng nông thôn Việt Nam. Hương ước trải qua quá trình hình thành, tồn tại và phát triển với nhiều tên gọi khác nhau nhưng đã được mỗi làng sử dụng để làm thước đo chuẩn mực các mối quan hệ xã hội, bảo vệ thuần phong mỹ tục, giữ gìn an ninh, trật tự cộng đồng, chống lại những hiểm họa từ bên ngoài… Trong thời gian qua, kế thừa và phát huy những giá trị tốt đẹp của hương ước trong đời sống xã hội, nhiều địa phương đã quan tâm đến việc soạn thảo và ban hành hương ước, quy ước mới. Việc xây dựng và ban hành các văn bản hương ước, quy ước mới trong xây dựng đời sống văn hóa tại các cộng đồng dân cư ở các địa phương như một một biện pháp hữu hiệu nhằm phát huy rộng rãi phong trào tự quản của nhân dân, động viên nhân dân tích cực tham gia xây dựng đời sống văn hóa cơ sở và tham gia vào công việc quản lý Nhà nước, quản lý xã hội. Coi hương ước là một công cụ quản lý gián tiếp của Nhà nước trong cộng đồng dân cư và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong quản lý xã hội, phát triển kinh tế. Hiện nay, nước ta đang đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân thì vẫn cần tiếp tục xây dựng, duy trì, thực hiện và phát huy hương ước bởi những giá trị của hương ước trong công tác tự quản của cộng đồng tại khu dân cư. Mặt khác, việc xây dựng và thực hiện hương ước cũng là một trong những phương thức thực hiện chủ trương mở rộng dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy quyền làm chủ của nhân dân theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng”.
Trước khi ngừng lời xin kính chúc các đồng chí lãnh đạo, quý vị đại biểu luôn dồi dào sức khỏe, gia đình bình an, hạnh phúc, chúc hội thảo thành công tốt đẹp….
Đưa tin: Phạm Đức Thắng