File đính kèm
Lời mở đầu
Tóm tắt quá trình hình thành và phát triển của làng
Căn cứ vào tộc phả họ Phạm giáp nhất thì làng Phù Oanh được hình thành vào cuối thế kỷ XV. khoảng từ năm 1570 đến 1582 trên (400 năm). Làng Phù Oanh xưa là một trang trại nhỏ gọi là Phù Hoa Trang, Phù Hương. Năm 1930 – 1940 của thế kỷ XX câu cửa miệng của người quanh vùng gọi là xóm Thuồng, Trại Thuồng, năm 1807 vì lý do phạm húy thời phong kiến làng đổi tên thành Mỹ Anh. Làng Phù Oanh nằm ở trung tâm đồng bằng Bắc bộ, là mảnh đất có lịch sử phát triển lâu đời. Trước năm 1931 làng có tên chữ là Phù Anh, tên nôm là làng Thuồng thuộc xã Phượng Tường, tổng Cao Cương, phủ Khoái Châu, trấn Sơn Nam. Từ khi Cách mạng Tháng tám thành công thành lập nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà năm 1945, đến đầu năm 1946 xã Đẩu Sơn được thành lập với năm thôn Phượng Tường, Phù Anh, Đào Đặng, Đặng Cầu, Nội Linh.
Năm 1948, do yêu cầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, địa giới hành chính được thay đổi cho thuận tiện việc quản lý và triển khai nhiệm vụ. Thôn Xuân Điểm được chuyển về xã Hưng Đạo, thôn Nội Linh về xã Ngô Quyền; còn lại 9 thôn của hai xã Đẩu Sơn và Minh Tân hợp nhất gọi là xã Nhật Tân. Đến năm 1956 lại phân chia lần nữa để phù hợp với yêu cầu mới, lúc này xã Nhật Tân còn lại 6 thôn: An Trạch, Cao Đông, Cao Đoài, Phượng Tường, Linh Hạ, Làng “Phù Anh” lúc này được mang tên “Phù Oanh”. các thôn Tinh Linh, Đặng Cầu và Đào Đặng hợp thành xã Trung Nghĩa.
Làng Phù Oanh là làng nhỏ nhất trong xã về thổ cư, thổ canh, số hộ khẩu và nhân khẩu. Trong cộng đồng dân cư của làng có nhiều dòng họ cùng chung sống, quần tụ với nhau có tình làng nghĩa xóm như họ Phạm, họ Tạ, họ Lương, họ Lường, họ Lê, họ Trương, họ Trần, họ Nguyễn.
Theo truyền ngôn các cụ để lại các cụ họ Phạm “Giáp Nhất” về xây dựng lập ấp đầu tiên trên mảnh đất này, sau đó có thêm các cụ Họ Phạm “Giáp Nhì”, “Giáp Ba”. Các cụ Giáp Nhì và Giáp Ba trước khi về làng có nguồn gốc thuộc họ Nguyễn đổi sang họ Phạm vì lí do chính trị, trong thời kỳ phong kiến. Ba cụ tổ của ba dòng họ về khai hoang lập ấp tại Phù Hoa Trang đã kết nghĩa huynh đệ và cùng mang họ Phạm, sinh sôi các đời sau các cụ đã phân ra làm “Ba” Giáp để phân biệt.
Sau này 5 họ khác về sinh sống tại làng gồm: “Họ Lê, họ Lương, họ Lường, họ Trương, họ Tạ”. Năm họ này về sau được sát nhập vào họ Phạm “Giáp Ba” được gọi là “lục tộc”; đến nay làng chỉ còn tồn tại tám dòng họ trong đó bốn dòng Họ Phạm, Họ Tạ, Họ Lương, Họ Trương, Họ Nguyễn, gần đây một số họ khác mới về sinh sống tại làng.
Tính đến tháng 5 năm 2024 làng có 210 hộ với 697 nhân khẩu.
Làng có vị trí địa lý hết sức thuận lợi cho giao lưu văn hóa và phát triển kinh tế, giao thương hàng hóa có quốc lộ 38B chạy qua và đường huyện ĐH94; ĐH 95; Đường nối quốc lộ 38B với cao tốc Hà Nội – Thái Bình.
Làng Phù Anh xưa đã xây dựng được ngôi Đình Làng với 5 gian tiền tế và 03 gian hậu cung bằng gỗ lim, thờ đức thánh QUÝ MINH ĐẠI VƯƠNG; tên thật là Nguyễn Hiển Đức. Ngài là một vị tướng của Vua Hùng thứ 18 “Hùng Duệ Vương” Quốc hiệu “Văn Lang” Ngài có công nhiều lần dẹp tan quân Thục giữ yên bờ cõi, Ngài có công khai khẩn đất hoang và hướng dẫn người dân cấy trồng, đánh bắt thủy sản, xây cơ lập nghiệp trên vùng nước và đồng bằng Sông Hồng. Làng có một ngôi Chùa với ba tòa nguy nga, một đền, một miếu. Năm 1949 – 1950 quân đội Pháp lập vành đai trắng để bảo vệ và đi lại giữa bốt Phố Giác và bốt Chợ Đầu nên làng Phù Oanh bị tàn phá trong đó đình, đền, chùa làng đều bị phá huỷ. Cả làng Phù Oanh lúc bấy giờ không còn một ngôi nhà, không còn một bóng cây, trở thành nơi binh địa.
Sau khi quân Pháp rút khỏi Hưng Yên năm 1952, người Phù Oanh sơ tán ở khắp nơi trở lại xây dựng lại làng; nền Đình làng được xây dựng thành kho hợp tác xã và nhà văn hóa; Đất Chùa được cấp cho một số gia đình xây nhà ở.
Xuất phát từ nhu cầu sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, tục thờ cúng Thành Hoàng làng, tục thờ Phật, thờ Mẫu. Năm 1996, được sự tiến cúng đất của một số hộ được cấp đất trên nền đất chùa cùng sự đồng lòng, góp công, góp của, nhân dân trong làng đã đóng góp công sức, tiền của xây dựng được ngôi chùa mới, tuy không bằng ngôi chùa cổ song phần nào đã thỏa lòng mong đợi của nhân dân trong làng. Đến năm 2023, nhân dân lại tiếp tục công đức cùng nhau xây dựng ngôi Đình làng khang trang sạch đẹp. Đây cũng là nơi gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa tín ngưỡng của người Việt, tục thờ Thần, thờ Phật của nhân dân cầu cho mưa thuận, gió hòa, người người binh an, gia đình hạnh phúc thỏa được ước nguyện tâm linh của người dân trong làng. Mặt khác để nhớ ơn công lao tổ tiên về sinh cơ, lập nghiệp tại làng, một số dòng họ lớn đã xây dựng nhà thờ họ để thờ cúng tổ tiên và cũng là nơi sinh hoạt văn hoá thờ cúng tổ tiên của từng dòng họ.
Dưới chế độ phong kiến làng chưa có những người học hành đỗ đạt cao song cũng có cụ Mưu họ Phạm “Giáp Nhì” làm Tránh tổng Cao Cương. Sau cách mạng tháng tám năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và lãnh đạo, đất nước được tự do, độc lập. Dưới chế độ mới do Đảng và Bác Hồ đem lại, mọi người được học tập, thế hệ sau tiếp nối thế hệ trước ra sức học tập, nhiều người con Làng Phù Oanh sinh sống tại làng hay sinh sống trên mọi miền tổ quốc đều phát huy truyền thống tốt đẹp của quê hương, gia sức học tập, vững bước vào đời xây dựng quê hương đất nước.
Tính đến tháng 8 năm 2024 làng ta đã có: Hai phó giáo sư, hai tiến sỹ, 47 thạc sỹ và tương đương; cùng nhiều Cử nhân, kỹ sư; nhiều người trong làng được đạo tạo nghề chất lương cao như Cao Đẳng, Trung cấp, tiêu biểu như: Phó tiến sỹ sử học Tạ Văn Mai, nguyên Phó bí thư đảng ủy, Phó hiệu trưởng trường sư phạm Hải Hưng, sau tách tỉnh về trường Cao đẳng sư phạm Hưng Yên; Phó giáo sư, tiến sỹ Kinh tế Phạm Thị Hồng Điệp - Giảng viên cao cấp, Phó trưởng khoa, Chủ nhiệm bộ môn - Khoa Kinh tế Chính trị, Trường Đại học Kinh tế - Đại học quốc gia Hà Nội; tiến sỹ Phạm Phương Linh, Phó trưởng khoa Thiết kế đồ hoạ trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương.
Con em trong làng hiện đang học tập, công tác trên khắp mọi miền của đất nước và ở nước ngoài, một số đã là cán bộ trung, cao cấp trong quân đội và công an nhân dân, một số là giảng viên của một số trường đại học, một số đang công tác trên các lĩnh vực khác của xã hội. Số ở lại quê hương cũng không ngừng phấn đấu vươn lên góp phần xây dựng quê hương ngày càng giầu đẹp, văn minh; tô thắm thêm bề dầy truyền thống tốt đẹp của Làng.
Làng Phù Oanh có tryuền thống cách mạng. Trong kháng chiến chống pháp là Làng kháng chiến không lập vùng tề, không một người đi lính cho Pháp hoặc theo giặc phản quốc, hại dân, trong hai Cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc làng hăng hái tham gia đóng góp sức người cùng của cải, vật chất với khẩu hiệu: “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” Tổng kết hai cuộc kháng chiến và bảo vệ tổ quốc làng đã tiễn đưa 192 người con thân yêu ra trận, đã có 15 người con hy sinh được phong tặng danh hiệu liệt sỹ, 06 thương binh, được Đảng, nhà nước phong tặng 03 bà mẹ Việt Nam Anh Hùng, cùng trên 400 huân huy chương các loại cho các cá nhân và gia đình trong làng.
Với nguồn gốc và truyền thống tốt đẹp của làng, với tiền năng đất đai trù phú, với con người lao động thông minh sáng tạo trong sản xuất, kiên cường dũng cảm trong đấu tranh chống phong kiến đế quốc, chống nghèo nàn lạc hậu. Chi bộ, các đoàn thể và nhân dân làng Phù Oanh cùng nhau đoàn kết thống nhất xây dựng Hương ước, cùng nhau thực hiện triệt để hiệu quả khi Hương ước chính thức được ban hành. Làng Phù Oanh quyết tâm giữ vững danh hiệu “Khu dân cư văn hoá”, khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, phấn đấu xây dựng Làng Phù Oanh từng bước trở thành khu dân cư thông minh vào một ngày không xa.
- Căn cứ Nghị định số 61/2023/NĐ-CP ngày 16/8/2023 của Chính phủ về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư; Quyết định số 2686/QĐ- BVHT TDL ngày 14/9/2023 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Nghị định số 61/2023/NĐ-CP.
- Thực hiện Kế hoạch số 27/KH-UBND ngày 02/02/2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh về triển khai thi hành Nghị định số 61/2023/NĐ-CP ngày 16/8/2023 của Chính phủ về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh Hưng Yên; Kế hoạch số 48/KH-UBND ngày 05/03/2024 của Ủy ban nhân dân Huyện về triển khai thi hành Nghị định số 61/2023/NĐ-CP ngày 16/8/2023 của Chính phủ về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư trên địa bàn huyện Tiên Lữ.
- Thực hiện chỉ đạo của BCH Đảng bộ, HĐND, Uỷ ban nhân dân xã Nhật Tân về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư trên địa bàn xã.
Sau khi khảo xát tình hình chính trị, kinh tế, văn hoá xã hội của thôn Phù Oanh. Rà soát, đánh giá kết quả thực hiện Hương ước, quy ước ban hành năm 2018. Toàn thể cán bộ, Đảng viên, các đoàn thể các tầng lớp nhân dân thôn Phù Oanh đã nhất trí xây dựng Hương ước làng văn hóa gồm các nội dung sau:
XEM NÔI DUNG CHI TIẾT TẠI ĐÂY
Hoặc mời quét mã QR core để xem nội dung trên Zalo